TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC THỰC HIỆN QUYỀN TRẺ EM TẠI TRƯỜNG MẦM NON HỌA MI - Trường mầm non Hoạ Mi - Ban Mê Thuột

Nóng

TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC THỰC HIỆN QUYỀN TRẺ EM TẠI TRƯỜNG MẦM NON HỌA MI

 

        Trường Mầm non họa Mi tăng cường việc tuyên truyền công tác bảo vệ trẻ em trên các phương tiện truyền thông, các buổi họp phụ huynh, các bảng thông tin của trường, lớp với các nội dung cụ thể như sau:

        Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển;

Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch, được xác định cha mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật;

Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khoẻ, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh;

Trẻ em có quyền được chăm sóc nuôi dưỡng để phát triển toàn diện;

Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân;

Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục, được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh;

Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí, được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi;

 Trẻ em có quyền được tôn trọng đặc điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi và văn hoá dân tộc, được thừa nhận các quan hệ gia đình;

Trẻ em có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, gìn giữ bản sắc, phát huy truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đệp của dân tộc mình;

Trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được đảm bảo an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; 

              Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục;

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em;

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt;

Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy;

Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác;...

        Luật trẻ em 2016 quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em nói chung, thực hiện quyền và bổn phận trẻ tuổi mầm non nói riêng đã được xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp như: Bạo lực, xâm hại tình dục, tử vong do tai nạn thương tích, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành nghề, lĩnh vực, trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi, trẻ em chưa được đến trường, trẻ em bị bắt buộc bỏ học….

Để tăng cường bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, Trường Mầm non Họa Mi đã làm tốt công tác tuyên truyền về việc đảm bảo Quyền trẻ em, lợi ích của trẻ em tới cộng đồng và các bậc cha mẹ trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền thông qua các buổi họp phụ huynh, tuyên truyền qua các hội thi của trẻ, trao đổi với phụ huynh trên lớp, qua tranh ảnh, pano, ap phích..

Ngoài ra cán bộ, giáo viên của trường luôn cố gắng đảm bảo quyền, lợi ích của trẻ khi đến trường cụ thể là:

- Quyền được sống còn: Trẻ đến trường được đảm bảo an toàn tuyệt đối mọi mặt khi ở trường. Trẻ được chăm sóc nuôi ăn bán trú. Trẻ được kiểm tra sức khoẻ định kỳ một năm 2 lần và theo dõi sức khoẻ qua biểu đồ tăng trưởng một năm 3 lần.

Quyền được phát triển: Trẻ được học tập và vui chơi trong môi trường thân thiện, lấy trẻ làm trung tâm. Trẻ được giáo dục toàn diện thông qua các lĩnh vực giáo dục của Chương trình Giáo dục mầm non.

Quyền được bảo vệ: Nhà trường có các hoạt động tuyên truyền và bảo vệ trẻ không bị những ảnh hưởng có hại về thể chất, về tinh thần, không bị bóc lột sức lao động, không bị xâm hại tình dục và các tai tệ nạn xã hội khác như: quyền bảo vệ để không bị bỏ rơi, bỏ mặc, quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính. Nhà trường thực hiện tốt các hoạt động để trẻ thực hiện "quyền " của trẻ  trong sinh hoạt hàng ngày ở trường.

Quyền tham gia: Nhà trường tuyên truyền và tổ chức cho trẻ thường xuyên được tiếp cận thông tin và tham gia các hoạt động xã hội, quyền được bày tỏ ý kiến khi tham gia các hoạt động ở lớp, đặc biệt với những trẻ em khuyết tật, giáo viên thường xuyên đảm bảo tốt khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Luôn đối xử công bằng với trẻ, đảm bảo trẻ không bị thiệt thòi so với các bạn khác.

Việc đảm bảo thực hiện tốt quyền trẻ em trong trường đã góp phần tuyên truyền tích cực tới các bậc cha mẹ trẻ và xã hội luôn quan tâm đến trẻ em để trẻ em  thực hiện "quyền " của mình. Qua đó nâng cao trách nhiệm của xã hội và cộng đồng trong việc tôn trọng bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em.

MN Họa Mi