Bảo vệ nguồn nước sach và vệ sinh môi trường - MN Hoạ Mi BMT - Trường mầm non Hoạ Mi - Ban Mê Thuột

Nóng

Bảo vệ nguồn nước sach và vệ sinh môi trường - MN Hoạ Mi BMT

                                               BÀI TUYÊN TRUYỀN

BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

Kính thưa quý Phụ Huynh, quý Giáo viên, Nhân viên và các cháu trường Mầm Non Hoạ Mi.

Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá là nguồn sống thiết yếu của con người và đông đảo những loài sinh vật trên trái đất. Hiện nay môi trường nước đang bị ô nhiễm nguyên nhân chính do tác động của con người trong quá trình sinh hoạt đã thải chất sinh hoạt ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống. Thực vậy, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội các cụm công nghiệp, các trang trại, gia trại chăn nuôi,… chưa thật sự thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, điều này đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống.

vậy, việc bảo vệ tài nguyên nước và vệ sinh môi trường là nhiệm vụ cấp bách, nó không chỉ đáp ứng các yêu cầu trước mắt mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ Tài nguyên và môi trường trong tương lai lâu dài, vì đó là sự sống còn của chính chúng ta và con cháu sau này. Chính vì lý do nói trên, ngay bây giờ mỗi chúng ta cần chung tay thực hiện các biện pháp sau để bảo vệ nguồn nước và môi trường sống:

1.     Giữ sạch nguồn nước: Không chăn thả gia súc, đổ rác và xây nhà vệ sinh gần nguồn nước; không phóng uế bậy; không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch, không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn. Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước.

2.     Tiết kiệm nước sạch: Giảm lãng phí khi sử dụng nước vào các sinh hoạt như nước dội vào nhà vệ sinh, tắt vòi nước khi đánh răng; kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây,

3.     Xử lý phân người: Vận động và ứng dụng tốt các giải pháp để xây dựng các loại cầu tiêu hợp vệ sinh (tự hoại, bán tự hoại, hai ngăn, thấm dội nước).

4.     Xử lý phân gia súc, động vật: Cần có kế hoạch thu gom với hố ủ hợp vệ sinh, chuồng trại cách xa nguồn nước theo qui định vệ sinh, có nền không thấm nước.

5.     Xử lý rác sinh hoạt và chất thải khác: Thực hiện phân loại rác tại nguồn. Phân loại và thu gom rác thải vô cơ vào nơi quy định hoặc bán phế liệu để tái chế xử lý. Vỏ hộp và chai lọ để hóa chất bảo vệ thực vật phải chôn đúng nơi quy định. Thu gom và xử lý rác thải hợp vệ sinh và đúng nơi quy định: xử lý rác hữu cơ bằng cách quét dọn nhà cửa hàng ngày, lá cây, rơm rạ, giấy loại phải đổ vào hố rác của gia đình rồi đốt hoặc chôn. Khi có động vật chết phải chôn sâu bằng vôi bột, không vứt rác thải và xác súc vật xuống ao, suối, hồ gây ô nhiễm nguồn nước.

6.     Xử lý nước thải: Xử lý nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình phải được xử lý sơ bộ trước khi thải ra hệ thống mương thoát nước thải chung, đồng ruộng hoặc sông rạch. Tránh đổ trực tiếp nước canh, nước lèo còn cặn thức ăn xuống trực tiếp cống thoát nước. Nước thải công nghiệp, y tế phải xử lý theo quy định môi trường trước khi thải ra môi trường.

7.     Thường xuyên tham gia chấp hành dọn vệ sinh môi trường tại khu dân cư phát động: phát quang bụi rậm, cắt tỉa cành cây, làm cỏ, bỏ rác đúng nơi quy định,...

Nước sạch là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận, vì vậy mọi người cần phải có ý thức khai thác bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch. Việc cung cấp nước sạch cách đầy đủ là một trong những điều kiện cơ bản để bảo vệ sức khỏe của con người, đặc biệt là với các trẻ tại trường mầm non. Bảo đảm nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường sẽ góp phần khống chế được 80% bệnh tật. Bảo vệ môi trường sống để phát triển bền vững phải luôn được thực hiện bằng việc bảo đảm nguồn nước sạch và làm tốt vệ sinh môi trường ở mỗi địa phương, mỗi trường học và mỗi gia đình.